Ở bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu đến các bạn các phương pháp phân tích trong thị trường forex. Để phục vụ cho việc xác định xu hướng và trong phân tích kỹ thuật, bạn cần biết đến lý thuyết Dow - một nền tảng cơ bản để dự đoán thị trường. Vậy lý thuyết Dow là gì? Những nguyên lý của nó được ứng dụng trong thực tế như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ở bài này nhé!
Lý thuyết Dow là gì?
Tiểu sử về Dow
Charles Henry Dow, là một phóng viên người Mỹ, người sáng lập ra tờ báo uy tín nhất của Mỹ The Wall Street Journal. Một điều thú vị là Dow chưa từng viết cuốn sách nào về lý thuyết của mình, ông chỉ đăng tải các nghiên cứu và nhận định của mình trên tờ báo Phố Wall. Sau khi ông mất thì các đồng nghiệp mới biên soạn lại các bài phân tích của ông và cũng chính từ đó mà lý thuyết Dow ra đời và được xem như những nền tảng cơ bản nhất của việc phân tích kỹ thuật.
Lý thuyết Dow là gì?
Đó là một vài nét tiểu sử của Dow - người đã đặt nền móng cho công cuộc phân tích kỹ thuật nhằm dự báo xu hướng thị trường. Vậy lý thuyết của ông đưa ra là gì?
Lý thuyết Dow là tập hợp nhiều luận điểm kỹ thuật dự đoán thị trường đang trong xu hướng đi lên hoặc đi xuống. Ông tin rằng thị trường chứng khoán nói chung là thước đo đáng tin cậy về các điều kiện kinh doanh tổng thể trong nền kinh tế.
Bằng cách phân tích thị trường tổng thể, ta có thể đánh giá chính xác các điều kiện đó và xác định các xu hướng thị trường quan trọng cũng như hướng đi có thể xảy ra của từng cổ phiếu.
Đây là nền tảng cơ bản bạn cần phải nắm vững để dễ dàng phân tích biểu đồ giao dịch, từ đó dự đoán hướng đi của thị trường. Phương pháp này phù hợp với những người mới tham gia vào thị trường.
Nguyên lý cơ bản trong Lý thuyết Dow
Nguyên lý xây dựng lý thuyết Dow dựa trên thị trường chứng khoán, xem đó là thước đo cho nền kinh tế quốc gia. Nó được xây dựng dưa trên 6 nguyên lý sau đây:
Nguyên lý 1: Thị trường phản ánh tất cả
Lý thuyết Dow hoạt động dựa trên giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH), trong đó nêu rõ rằng giá tài sản là sự kết hợp tất cả các thông tin có sẵn. Hay nói cách khác, thông tin về thị trường đều được phản ánh thông qua giá cổ phiếu cùng các chỉ số như GDP, lãi suất, CPI, v.v.
Nguyên lý 2: 3 loại xu hướng chính của thị trường
Theo Dow thị trường gồm có 3 xu hướng chính, mỗi xu hướng đều có đặc điểm riêng.
Xu hướng chính (dài hạn): Thị trường trải qua các xu hướng chính có hướng kéo dài một năm hoặc hơn. Đây là xu hướng mà các nhà đầu tư dài hạn quan tâm nhiều nhất. Trong xu hướng này, được chia thành 2 xu hướng nhỏ, đó là xu hướng tăng và xu hướng giảm.
Xu hướng thứ cấp (trung hạn): xu thế này thường kéo dài từ 1-3 tháng và nó có xu hướng đi ngược lại với xu hướng chính.
Xu hướng bậc ba (ngắn hạn): thời gian diễn ra xu hướng này khá ngắn, thông thường không quá 3 tuần. Xu hướng này thường áp dụng đểx điều chỉnh các biến đông giá đi ngược xu hướng thứ cấp.
Nguyên lý 3: 3 giai đoạn trong xu hướng chính
Đây là nguyên tắc quan trọng nhất của lý thuyết Dow về xu hướng. Nguyên lý này miêu tả xu hướng chính được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn tích luỹ: Xuất hiện ở cuối một xu hướng giảm chính trước đó. Trong giai đoạn này, tất cả những tin xấu đều được thị trường hấp thụ. Lượng mua bắt đáy bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn này chính là khởi đầu của một xu hướng tăng chính sắp tới.
Đây là giai đoạn khó phát hiện nhất vì dễ bị nhầm lẫn giữa thị trường đảo chiều với một sự điều chỉnh của xu hướng trước đó. Do đó các nhà giao dịch nên tìm tín hiệu khi giá tăng vượt qua vùng tích lũy.
Giai đoạn bùng nổ: Đây là giai đoạn giá tăng đột biến và kéo dài với khối lượng mua cực kỳ lớn. Nhu cầu mua đạt mức cực đại. Đây cũng là giai đoạn mà các nhà phân tích kỹ thuật kiếm được lợi nhuận nhiều nhất. Bạn cần tìm ra những mô hình, tín hiệu để giao dịch như xu hướng tăng hiện tại.
Giai đoạn phân phối: Giai đoạn này xuất hiện ở cuối xu hướng tăng chính. Tại đây, các nhà giao dịch đã mua bắt đầu chốt lời. Đây chính là khởi đầu cho xu hướng giảm chính kéo dài.
Cũng như giai đoạn tích luỹ, nhiều mô hình đảo chiều bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này. Bạn cần biết rằng, đây là giai đoạn rất khó phát hiện nhưng lại mang lại lợi nhuận cực kỳ cao cho bên bán.
Nguyên lý 4: Các chỉ số trung bình phải cũng cố lẫn nhau
Để một xu hướng được thiết lập, các chỉ số Dow hoặc trung bình thị trường phải xác nhận lẫn nhau. Điều này có nghĩa là các tín hiệu xảy ra trên một chỉ số phải khớp hoặc tương ứng với các tín hiệu trên chỉ số kia.
Nếu một chỉ số, chẳng hạn như Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones, cho thấy một xu hướng tăng mới, nhưng một chỉ số khác vẫn nằm trong xu hướng giảm, thì các nhà giao dịch không nên cho rằng một xu hướng mới đã bắt đầu.
Nguyên lý 5: Sử dụng khối lượng giao dịch để xác định xu hướng
Theo lý thuyết Dow, khối lượng giao dịch cũng ảnh hưởng không kém đến việc xác định xu hướng. Nó có mối quan hệ tương quan với nhau. Khối lượng giao dịch tăng sẽ dẫn đến xu hướng thị trường cũng tăng theo, và ngược lại. Các nhà đầu tư cần dựa vào khối lượng giao dịch để nhận biết thị trường đang đi theo xu hướng nào.
Nguyên lý 6: Xu hướng được duy trì đến khi có sự đảo chiều rõ ràng
Sự đảo chiều trong các xu hướng chính có thể bị nhầm lẫn với các xu hướng thứ cấp. Rất khó để xác định liệu một xu hướng đi lên trong thị trường giá xuống là một sự đảo chiều hay một đợt phục hồi ngắn. Do đó, nhà đầu tư hãy kiên nhẫn chờ có tín hiệu đảo chiều thì hãy giao dịch.
Điểm hạn chế của lý thuyết Dow trong phân tích kỹ thuật
Lý thuyết Dow cũng giống như những phương pháp giao dịch khác, cũng tồn tại những ưu và nhược điểm. Ưu điểm của phương pháp này nằm ở việc dễ dàng phân tích xu hướng thị trường. Chính vì điểm này mà nó được nhiều người áp dụng và truyền lại đến ngày nay.
Tuy nhiên, không phải lúc nào lý thuyết Dow cũng hoàn toàn đúng. Nó vẫn tồn tại một vài hạn chế như sau:
Độ trễ lớn
Thị trường luôn biến động từng giờ, từng ngày. Nếu bạn chỉ đợi thị trường ở giai đoạn bùng nổ (xu thế chính tăng) để mua vào hoặc bán ra (xu hướng chính giảm) thì sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm được nhiều lợi nhuận ở giai đoạn đầu và cuối của biến động.
Không áp dụng cho khung giao dịch ngắn hạn
Lý thuyết Dow chủ yếu tập trung ở xu hướng chính nên nhà giao dịch cần kiên nhẫn đợi tạo đáy hoặc đỉnh rõ ràng. Điều này khiến bạn tập trung vào việc phân tích tìm ra xu hướng chính mà bỏ qua mất cơ hội đầu tư trung hạn và ngắn hạn.
Không có điểm vào lệnh rõ ràng
Theo lý thuyết Dow, thị trường được chia làm 3 xu hướng. Những xu hướng này được hình thành do giá tăng hoặc giá giảm. Tuy nhiên, thực tế giá biến động liên tục, khó có thể xác định vị thế kết thúc. Từ đó, nhà giao dịch sẽ khó để đưa ra những quyết định đúng đắn về xác định điểm vào lệnh.
Kết luận
Lý thuyết Dow chính là nền tảng cho việc phân tích kỹ thuật trong đầu tư thị trường tài chính nói chung và trong Forex nói riêng. Nắm chắc được lý thuyết này và kết hợp với các phương pháp giao dịch khác, bạn sẽ hiểu được những biến động của thị trường. Khi đó, việc giao dịch của bạn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.