Trading Essentials
Lịch Sử Forex: Nhìn Lại Quá Trình Hình Thành Của Thị Trường Nghìn Tỷ
#
Marketing
9 phút đọc
08/05/2023
268
0
0

Là một trong hai thị trường lớn nhất bên cạnh chứng khoán, thị trường ngoại hối lại mang ưu điểm nổi bật với tính thanh khoản và dễ tiếp cận nhất thế giới. Với hàng triệu nhà giao dịch cá nhân, rất nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư tham gia vào sự luân chuyển của những đồng tiền.

Vậy bạn đã bao giờ nghe qua lịch sử Forex? Cùng xem qua những sự kiện đã tạo nên bước ngoặt và hình thành mảnh đất ngoại hối này.

>> Xem thêm các bài viết kiến thức:

Những Điều Cần Biết Về Chỉ Số Dow Jones

Forex Factory Là Gì? Tổng Quan Các Tính Năng Phổ Biến Của Forex Factory - Phần 1

Tổng Quan Các Tính Năng Phổ Biến Của Forex Factory - Phần 2

icon-menu

Lịch Sử Forex Và Sự Gắn Kết Với Lịch Sử Tiền Tệ

Những Đồng Tiền Đầu Tiên

Sự ra đời và phát triển của tiền tệ là nền tảng cho lịch sử Forex. Theo khảo cổ học, những dấu vết đầu tiên của đồng tiền đã xuất hiện từ tận 4.500 năm trước tại Lưỡng Hà (Iraq/Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) với hình thức là những đồng xu kim loại. 

Ngoại hối xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVIII khi các yêu cầu của rất nhiều quốc gia và doanh nghiệp mong muốn thực hiện hoạt động giao dịch quốc tế mà không bị hạn chế. Đa số các quốc gia sẽ xem vàng hoặc các đồng xu từ đa dạng các hợp kim như sự quy đổi tiêu chuẩn. 

Đến thế kỷ thứ X, các hoàng đế tại Trung Hoa cảm thấy được sự bất tiện trong việc thanh toán và lưu trữ các mảnh hợp kim nên đã phát hành các biên nhận để thể hiện chính xác khối lượng đồng xu với thương nhân. 

Qua hàng thế kỷ, triều đình đã dần dần thay thế các giấy biên nhận này ra khỏi lưu thông và in các loại giấy bạc như một loại tiền hợp pháp, tạo nên khởi điểm của tiền giấy. 

Sự Sụp Đổ Của Chế Độ Bản Vị Vàng Và Hình Thành Thị Trường Forex

Lịch sử Forex sẽ không thể tiếp diễn nếu không nhắc đến chế độ bản vị vàng (Gold Standard). Đó là một chế độ được Chính phủ nhiều nước sử dụng làm cơ sở để cung ứng tiền tệ khi số lượng tiền in ra phải có được số lượng vàng tương ứng.

Vào những năm 1800, hàng loạt quốc gia đã áp dụng chế độ bản vị vàng. Tuy nhiên, chiến tranh Thế giới I và II xảy ra và buộc các quốc gia phải chấm dứt chế độ này để phục vụ cho chiến tranh. Sự sụp đổ của kỷ nguyên vàng đã mở ra những sự kiện quan trọng tiếp theo lần lượt diễn ra cho sự phát triển vượt bậc trong lịch sử Forex.

Những Sự Kiện Nổi Bật Của Lịch Sử Forex

Năm 1982, những giao dịch giao ngay ở cặp USD và GBP xuất hiện và tăng dần lên do sự đi đầu của kinh tế Anh và Mỹ. Kéo theo đó là hàng loạt các sự kiện phát triển thị trường trong lịch sử Forex đó là: 

1. Hệ Thống Bretton Woods 1944 - 1971

Sau Thế chiến I, cuộc đại khủng hoảng đã diễn ra ở những năm 1930 và kéo dài đến Thế chiến thứ II. Trong hoàn cảnh đó, Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã gặp nhau tại Hội nghị Tài chính và Tiền tệ của Liên Hợp Quốc ở Bretton Woods, New Hampshire, Mỹ để thiết kế một trật tự kinh tế toàn cầu mới, khởi đầu cho sự kiện quan trọng của lịch sử Forex.

Là quốc gia duy nhất không bị tổn hại bởi chiến tranh, Mỹ được chọn làm nơi tổ chức và đồng USD từ một đồng tiền thất bại sau sự cố thị trường chứng khoán năm 1929 trở thành đồng tiền chuẩn để so sánh các đồng tiền quốc tế khác.

Phương thức hoạt động của Bretton Wood là các quốc gia theo hệ thống sẽ có nguồn dự trữ ngoại hối dưới dạng tiền tệ của một nước duy nhất và chỉ có nước đó mới thực sự theo hệ thống bản vị vàng (ở đây là Mỹ). Hệ thống này cho phép các nước thành viên tiết kiệm được vàng vì họ có thể dùng vàng hoặc ngoại hối làm phương tiện thanh toán quốc tế.

Từ đây, mục tiêu tạo ra môi trường ổn định để các nền kinh tế tự phục hồi bằng cách tạo ra một thị trường ngoại hối có thể tự điều chỉnh bằng cách cố định với USD. Lúc này, nếu đồng tiền của một nước quá cao so với USD thì Ngân hàng Trung ương của nước đó cần phải bán tiền để đổi lấy USD, đẩy giá trị của đồng tiền đó xuống và ngược lại. 

Bretton Woods đã kéo dài cho tới năm 1971 vì lạm phát và thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ gia tăng khiến nước này không còn đủ vàng để hỗ trợ lượng USD đang lưu hành. Năm 1971, Tổng thống Richard M. Nixon, đã chấm dứt hệ thống và dẫn đến những biến chuyển tiếp theo trong lịch sử Forex.

2. Sự Xuất Hiện Chế Độ Tỷ Giá Thả Nổi 

Chính phủ Mỹ cho rằng hệ thống này giới hạn hoạt động chi tiêu của Hoa Kỳ do lượng vàng sở hữu là có hạn trong khi nhu cầu sử dụng tiền lại lớn hơn rất nhiều (trong đó có việc mở rộng chiến tranh đến Việt Nam và nhiều nước khác). Năm 1971, sau khi rút khỏi Bretton Wood, Mỹ tiến hành thả nổi đồng USD.

Một hiệp định khác mang tên Smithsonian vào tháng 12/1971 cũng tương tự nhưng cho phép biên độ dao động lớn hơn. Mỹ đã cố định USD với vàng ở mức 38 USD/ounce, do đó làm giảm giá USD. Theo thỏa thuận, các đồng tiền chính khác có thể dao động 2,25% so với USD và USD được cố định với vàng. Sai lầm tương tự Brett Woods nên Smithsonian cũng nhanh chóng tan rã.

Năm 1972, các nước châu Âu đã cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào USD bằng cách thành lập European Joint Float gồm Tây Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg. Hiệp định tiếp tục sụp đổ 1 năm sau đó. Những thất bại này dẫn đến việc chuyển đổi chính thức sang Chế độ tỷ giá thả nổi trên diện rộng và lịch sử Forex có thêm một bước tiến mới.

** Tỷ giá thả nổi (hay tỷ giá hối đoái biến động) là một chế độ tỷ giá trong đó giá trị của một đồng tiền được phép dao động trên thị trường ngoại hối, không bị giới hạn bởi tính ngang giá được xác định và vận động một cách tự do dựa trên mối quan hệ cung-cầu giữa các đồng tiền có trên thị trường. 

3. Thỏa Ước Plaza

Tiếp tục trong lịch sử Forex, đến đầu thập niên 1980, giá USD tăng khá nhiều so với các đồng tiền khác gây ra khó khăn cho việc xuất khẩu của các nước, dẫn đến tài khoản vãng lai của Mỹ thâm hụt và gây ra lạm phát lớn. Để đối phó, Mỹ tăng lãi suất để tăng sức mạnh cho USD và kìm hãm lạm phát.

Điều này dường như có hiệu quả khá tốt với Hoa Kỳ nhưng lại gây ra nợ nần và trì trệ kinh tế ở những quốc gia khác khi USD gây sức nặng lớn. Kết quả, năm 1985, 5 nền kinh tế hùng mạnh nhất (G5) bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức và Nhật Bản đã phải cử đại diện đến khách sạn Plaza, New York để tìm ra giải pháp.

Lịch sử Forex tạo nên một đột phá mạnh với thỏa ước Plaza - nơi có những khuyến khích sự tăng giá cho những đồng tiền ngoài USD. 

Một lần nữa, USD lại sụt giảm mạnh tạo nên một sự chênh lệch lớn về giá tạo nên những nhà giao dịch Forex đầu tiên. Lịch sử Forex chính thức bước vào giai đoạn mà “ở đâu có biến động, ở đó có lợi nhuận”. 

4. Sự Thành Lập Của Đồng Euro

Sau 2 cuộc chiến tranh Thế giới, các nước châu Âu đưa ra nhiều hiệp ước để kết nối và phát triển nhiều hơn. Tháng 01/1999, lần đầu tiên kể từ triều đại của Charlemagne, 11 nước  châu Âu được thống nhất với một đồng tiền chung. Euro ra đời gắn liền với Hiệp ước thành lập Liên minh châu Âu (EU) trong vai trò làm đơn vị tiền tệ trong các thị trường doanh nghiệp và đầu tư để tăng cường hội nhập, phát triển châu Âu.

Đóng cửa với tỷ giá mạnh 1 đồng euro tương đương 1,17 đồng đô la Mỹ trong ngày giao dịch đầu tiên, đồng Euro hứa hẹn sẽ cạnh tranh gay gắt với USD trong nền kinh tế toàn cầu. Kết quả như dự đoán, lịch sử Forex đã cho ra đời cặp EURUSD trở thành cặp tiền phổ biến trong giao dịch ngoại hối từ đó.

5. Giao Dịch Qua Internet

Với sự phát triển của công nghệ, cùng với sự ra đời của đồng Euro, thị trường tiền tệ càng về sau những năm 1990 càng trở nên nhanh chóng và đa dạng hơn bao giờ hết. Kỷ nguyên mới trong lịch sử Forex bước lên một tầm mới khi số lượng trader cá nhân ngày càng tăng khi không chỉ những ngân hàng, quỹ lớn mới có thể trade Forex.

Chưa dừng lại, việc những quốc gia tại Trung Đông và Đông Nam Á được ổn định hơn về chính trị đã làm giao dịch dầu thô và nhiều loại tiền tệ hơn xuất hiện khiến cho dòng tiền càng được thu hút. Sàn giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều tạo nên tính cạnh tranh giữa các sàn tăng lên cũng làm thanh khoản tốt và phí spread (mức chênh lệch giữa giá mua và bán) ngày càng thấp.

Tổng Kết Lịch Sử Forex Và Triển Vọng Trong Tương Lai

Thông qua một nền lịch sử Forex suốt nhiều thế kỷ, ngày nay thị trường ngoại hối đã trở thành top các thị trường tài chính lớn nhất. Theo báo cáo thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, khối lượng giao dịch Forex trung bình mỗi ngày ước tính lên đến 6,6 nghìn tỷ Đô la Mỹ, trong khi đó tổng GDP toàn cầu là 94.000 tỷ Đô la Mỹ.

Con số đó dường như chưa có dấu hiệu dừng lại với hoạt động giao dịch ngày càng nhanh chóng bởi công nghệ. Với tiềm năng đó, những nhà giao dịch xuất sắc sẽ biết cách rút ra những bài học từ lịch sử Forex cho việc xem tin tức và dự đoán về tương lai. 

| Facebook | Instagram | YouTube | Telegram STP VN |

ic-comment-blueBình luận
#